Thiết kế công trình bên ngoài
Khi thiết kế hệ thống thoát nước phải xem xét các giải pháp cơ bản của sơ đồ thoát nước được lựa chọn phù hợp với thiết kế qui hoạch của các đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp,…
Các phương án thiết kế phải chú ý tới khả năng tận dụng nước thải đã được xử lý để tái sử dụng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Khi lựa chọn hệ thống và sơ đồ thoát nước phải đánh giá kinh tế, kĩ thuật, mức độ đảm bảo vệ sinh của các công trình thoát nước hiện có và khả năng tiếp tục sử dụng chúng.
Khi thiết kế thoát nước cho các điểm dân cư, cho phép sử dụng các kiểu hệ thống thoát nước: chung, riêng một nửa, riêng hoàn toàn hoặc hệ thống hỗn hợp tùy theo địa hình, điều kiện khí hậu, yêu cầu vệ sinh của công trình thoát nước hiện có, trên cơ sở so sánh các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
Đối với hệ thống thoát nước mưa, nếu điều kiện cho phép có thể sử dụng hệ thống mương máng hở và phải chú ý xử lý phần nước mưa bị nhiễm bẩn.
Hệ thống thoát nước của các xí nghiệp công nghiệp thường thiết kế theo kiểu riêng hoàn toàn, nhưng trong các trường hợp cụ thể có thể kết hợp thu gom toàn bộ hoặc một phần nước thải sản xuất với nước thải sinh hoạt.
Khi thiết kế thoát nước cho các cơ sở công nghiệp cần xem xét:
Khả năng thu hồi các chất quý có trong nước thải sản xuất.
Khả năng giảm lượng nước thải sản xuất xả ra môi trường bên ngoài bằng cách áp dụng quá trình công nghệ hợp lí, sử dụng hệ thống cấp nước tuần hoàn toàn bộ, một phần hoặc lấy nước thải của phân xưởng này để sử dụng cho phân xưởng khác.
Tính toán lưu lượng xả thải – Hệ số không điều hòa lưu lượng
Tiêu chuẩn thải nước bao gồm nước thải sinh hoạt và dịch vụ xác định theo tiêu chuẩn cấp nước tương ứng với từng đối tượng và từng giai đoạn xây dựng.
Hệ số không điều hòa
Lưu lượng xả thải ở các nhà máy sản xuất và chế biến xả ra khác nhau, vào những thời điểm khác nhau cho nên cần tính toán chính xác lưu lượng xả thải và xem xét các tiêu chí như: lưu lượng xả thải trung bình, thời gian hoạt động, giờ cao điểm xả thải, thời gian không hoạt động…
Đối với nhà máy sản xuất và chế biến phát sinh lưu lượng càng thấp thì hệ số không điều hòa càng cao, ngược lại lưu lượng xả thải càng lớn thì hệ số không điều hòa càng thấp.
Tiêu chí thiết kế công trình xử lý nước thải
Phương án xử lý nước thải phụ thuộc vào lưu lượng, tính chất và thành phần của nước thải. Khi xả thải vào nguồn phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường hiện hành.
Tận dụng những công trình, điều kiên sẵn có, khi không có sẵn thì mới tính đến phương án xây dựng công trình xử lý nước thải mới.
Tận dụng nguồn nước thải sau xử lý đến phục vụ cho những mục đích khác
Tính toán đến phương án tách bùn và xử lý bùn, nếu là bùn sinh học có thể tận dụng là phân bón sinh học.
Nước thải sinh hoạt hoặc sản xuất trước khi đưa qua hệ thống xử lý sinh học phải đảm bảo các yếu tố sau:
pH=6.5-8.5
Nhiệt độ: 10 – 40 độ C
Tổng hàm lượng muối hòa tan (TDS) không quá 15 g/l
Chỉ tiêu BOD5 không quá 500 mg/I, nếu bể xử lý sinh học cải tiến có thể thiết kế hệ thống với chỉ tiêu BOD5 đạt mức từ 1000 – 1500 mg/l.
Tổng chất rắn không vượt quả 150 mg/l
Không chứa các chất hoạt động bề mặt như dầu mỡ, xà phòng, các chất tẩy rửa và các chất độc gây ảnh hưởng đến khả năng xử lý vi sinh vật…
Khi nước thải chứa các chất hữu cơ khó phân hủy cần xem xét đến công trình xử lý kỵ khí phía trước. Hoặc tính toán thiết kế dựa trên tốc độ oxy hóa của vi sinh vật đến chất oxy hóa.
Cần xem xét đến chất dinh dưỡng để cung cấp cho vi sinh vật theo tỉ lệ: BOD5:N:P = 100:5:1
|