Chẳng hạn, giá nhân công theo quy định của Nhà nước khoảng 270 nghìn/người/ngày nhưng trên thực tế, giá nhà thầu phải trả cho người lao động phổ thông là khoảng 350 nghìn/người/ngày, còn với công nhân có tay nghề, làm một số hạng mục đặc thù thì khoảng 450 - 500 nghìn/người/ngày... Nhà thầu mong muốn các cơ quan chức năng sớm rà soát, có sự điều chỉnh kịp thời đối với các chi phí đầu tư xây dựng được quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn sát với giá thị trường và thực tế thi công.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài nhiều năm khiến nhà thầu không còn nguồn lực tài chính để thi công những công trình mới, trong khi vẫn phải trả nợ ngân hàng. Quá trình thanh toán, tất toán các dự án thường rất chậm so với tiến độ thực hiện, nhất là các công trình do địa phương làm chủ đầu tư. Có những công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng đến nay địa phương vẫn chưa thanh toán cho nhà thầu. Trong khi đó, nếu nhà thầu chậm đóng thuế, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho nhân sự có thể bị phạt, thậm chí khởi tố hình sự.
Mặt khác, hiện nhà thầu cũng gặp khó khăn trong thi công do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ của địa phương. Hầu như dự án, công trình nào cũng vướng giải phóng mặt bằng nên nhà thầu phải ngừng, giãn tiến độ thực hiện. Trong khi đó, nhân lực, máy móc, thiết bị của nhà thầu vẫn phải duy trì để chờ mặt bằng, vừa lãng phí nguồn lực, vừa đội giá công trình, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng thi công. Nhà thầu mong muốn các cơ quan chức năng có những biện pháp, chế tài cụ thể để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ thi công.