Gian lận xăng dầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng
Trả lời báo chí, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho rằng, một số vụ vi phạm về chất lượng xăng dầu bị phát hiện thời gian qua đã gây thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Sau vụ việc hơn 2 triệu lít xăng A92 kém chất lượng bị lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, mới đây Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Cục Quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa- Bộ Khoa học công nghệ, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra một số cửa hàng xăng dầu trên đại bàn tỉnh Bắc Giang.
Qua kiểm tra phát hiện Cửa hàng bán lẻ xăng dầu – địa chỉ: Bãi Bò, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, do ông Vũ Sỹ Hòa là người trực tiếp bán hàng, đang kinh doanh các mặt hàng: Xăng RON 92-II và dầu Do.0,05S, với 02 cột đo xăng dầu có số seri 140/06/TĐCBG và 141/06/TĐCBG đã hết hạn kiểm định.
Kết quả kiểm tra, mặt hàng xăng RON 92-II tại cửa hàng cho thấy, trị số Octan không đạt theo quy định. Hiện Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Cảnh sát kinh tế và Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Tình hình gian lận xăng dầu còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu của các thương nhân theo quy định của pháp luật”- ông Đàm Thanh Thế nói.
Trước đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu. Sau 4 tháng triển khai, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, kịp thời xử lý các hành vi gian lận, vi phạm; đảm bảo xăng dầu đưa ra thị trường có chất lượng theo tiêu chuẩn và hoạt động kinh doanh xăng dầu tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc triển khai dán tem cây xăng được triển khai khắp cả nước đã góp phần quản lý tốt các cây bơm xăng (dán tem) nên phát sinh tăng thuế trong khoảng 15 - 30% so với năm 2016; hoạt động mua, bán xăng dầu trôi nổi trên thị trường giảm, từng bước đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Thường trực Đàm Thanh Thế, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ công tác đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, như: Gian lận về đo lường, không bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng...
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt cụ thể số lượng xăng dầu mua bán, tiêu thụ có nguồn gốc không hợp pháp hạn chế tình trạng lập khống hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa xăng dầu nhập lậu, trốn thuế và xử lý, truy thu thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, các đối tượng có hoạt động buôn lậu xăng dầu để xử lý theo quy định của pháp luật.
|