Tiếp tục bứt tốc
Số liệu của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng đạt 95,19% về số lượng gói thầu (hơn 29 nghìn gói thầu) và 73,63% về tổng giá trị gói thầu (hơn 117 nghìn tỷ đồng).
Xét theo khối địa phương, có 5 tỉnh, thành phố giữ ngôi đầu về áp dụng đấu thầu qua mạng với cùng tỷ lệ 100% cả về số lượng và giá trị gói thầu. Đó là Hưng Yên (51 gói thầu, giá trị 231 tỷ đồng); Hòa Bình (74 gói thầu, giá trị 256 tỷ đồng); Bình Dương (30 gói thầu, giá trị 68 tỷ đồng); Bình Thuận (48 gói thầu, giá trị 150 tỷ đồng); Đăk Nông (63 gói thầu, giá trị 183 tỷ đồng). Kế đến là các tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Sơn La…
Một số địa phương có số lượng gói thầu qua mạng lớn, giá trị gói thầu cao như: TP. Hà Nội có 1.547 gói thầu (đạt 96,93%) với tổng giá trị 7.090 tỷ đồng (đạt 73,3%); Hải Phòng có 241 gói thầu (đạt 93,7%) với tổng giá trị hơn 1.300 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh có 445 gói thầu (đạt 90,1%) với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng (đạt 46,2%)…
Thống kê theo khối tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dẫn đầu cả về số gói thầu với 5.796 gói, đạt tỷ lệ 99,23% và giá trị 28,4 nghìn tỷ đồng, đạt 93,5%. Tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng của các Tổng Công ty: Thép Việt Nam, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, sông Đà đều đạt 100% nhưng số lượng và giá trị gói thầu đều thấp.
Ở khối bộ, ngành, Bộ Quốc phòng có số gói thầu qua mạng nhiều nhất (979 gói, đạt 88,8%) nhưng đứng thứ 3 về giá trị gói thầu (gần 1.840 tỷ đồng, đạt 35,9%). Đứng thứ 2 về số gói thầu qua mạng và giá trị gói thầu là Bộ Y tế (651 gói, đạt 93%; giá trị hơn 2.394 tỷ đồng, đạt 70,2%). Bộ Giao thông Vận tải đứng thứ 3 về số gói thầu (487 gói, đạt 96,6%) nhưng đứng đầu về giá trị gói thầu (gần 4.849 tỷ đồng, đạt 87%).
Kết quả này cho thấy bước sang năm 2021, đấu thầu qua mạng tiếp tục duy trì sự bứt tốc mạnh mẽ từ năm trước đó. Tính cả năm 2020, tỷ lệ gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng vượt xa quy định chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020. Cụ thể, đạt 86,6% về số lượng (98 nghìn gói thầu) và 54,6% về tổng giá trị (303 nghìn tỷ đồng). So với năm 2019, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2020 tăng hơn 2 lần, tổng giá trị gói thầu tăng 2,5 lần.
Lợi ích đa chiều
Có được "trái ngọt" này là nhờ hành lang pháp lý về đấu thầu qua mạng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu.
Cụ thể, từ ngày 1.2.2020, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực. Theo đó, toàn bộ hồ sơ mời thầu đều được đăng tải lên Hệ thống kể cả gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng, giúp hạn chế tình trạng tiêu cực, không mua được hồ sơ mời thầu, bảo đảm nhà thầu có thể tiếp cận được đầy đủ thông tin về các hồ sơ mời thầu mà không mất thời gian và chi phí đi lại. Quy định hồ sơ thiết kế là nội dung bắt buộc mà bên mời thầu phải đăng tải khi công khai hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp để tránh tình trạng một số bên mời thầu công khai nửa vời thông tin về hồ sơ mời thầu
Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2020 góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các tiêu cực trong đấu thầu, tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư và các nhà thầu.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã có những bước cải tiến nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho bên mời thầu, nhà thầu, như: bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống; mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ. Đầu tháng 4 vừa qua, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, Cổng thông tin Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trên các trình duyệt Chrome, Firefox, CocCoc… (gọi tắt là Cổng portal mới) vừa được triển khai nâng cấp và chính thức đi vào hoạt động nhằm cải thiện hiệu quả tìm kiếm thông tin và tính năng tổng hợp số liệu… nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Đặc biệt, chính lợi ích đa chiều của đấu thầu qua mạng đã thúc đẩy tiến trình áp dụng hình thức này ở các đơn vị, địa phương. Tính chung cả năm 2020, đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm 1.725 tỷ đồng chi phí hành chính.
Cụ thể, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng so với đấu thầu truyền thống trung bình tiết kiệm được 6 ngày, quy đổi theo chi phí tiền lương/ngày công là khoảng trên 500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí hành chính (bao gồm chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí đi lại, in ấn, nhân công) so với đấu thầu truyền thống. Số lượng nhà thầu trung bình tham dự một gói thầu điện tử là 2,5 nhà thầu/gói. Như vậy, số chi phí hành chính mà doanh nghiệp tiết kiệm được lên tới 1.225 tỷ đồng.
Một lợi ích khác tuy khó lượng hóa nhưng hết sức có ý nghĩa, đó là đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.
Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu cho biết, năm 2021 sẽ phối hợp với các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư tiếp tục đôn đốc triển khai đấu thầu qua mạng. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá quá trình triển khai đấu thầu qua mạng; đặc biệt là giám sát chặt chẽ những gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÀO TẠO VÀ TƯ VẤN ĐẦU TƯ HÀ NỘI
Hotline: 0976.464688
Email: phongdaotao88@gmail.com
Website: pta.edu.vn
|