Cơ sở pháp lý
-
Luật đấu thầu năm 2013
-
Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng do Bộ trưởng Bộ kế hoặc đầu tư- Bộ tài chính ban hành ngày 08 tháng 09 năm 2015;
-
Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu do Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 06 năm 2014;
-
Thông tư 11/2016/BYT quy định đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế ban hành ngày 11 tháng 05 năm 2016;
-
Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư do Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 06 năm 2016.
-
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Thế nào là đấu thầu?
Theo quy định tại khoản 12 điều 4 Luật đấu thầu năm 2013, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất.
Những quy định nổi bật cần biết trong Luật đấu thầu
1. Các hình thức đấu thầu
Theo quy định từ điều 20 đến điều 27 Luật đấu thầu năm 2013, có 08 hình thức đấu thầu, cụ thể như sau:
- Đấu thầu rộng rãi: không hạn chế các nhà đầu tư tham gia dự thầu
- Đấu thầu hạn chế: chỉ những nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của gói thầu mới tham gia dự thầu được, tuy nhiên mỗi gói thầu phải có ít nhất 03 nhà đầu tư tham gia dự thầu.
- Chỉ định thầu: Chủ thầu lựa chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng nhu cầu của gói thầu để thương lượng và ký hợp đồng.
- Mua sắm trực tiếp: Áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.
- Chào hàng cạnh tranh: áp dụng với gói thầu có giá trị trong hạn mức quy định và thuộc các trường hợp: Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường; gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.
Bên cạnh đó còn có các hình thức khác như tự thực hiện; tham gia thực hiện của cộng đồng…
2. Đăng ký gói thầu qua mạng
Việc đăng ký gói thầu qua mạng là việc đăng ký thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Theo quy định tại Chương 1 thông tư liên tịch số 07/TTLT-BKHĐT-BTC, việc đăng ký đấu thầu qua mạng được thực hiện như sau:
– Bước 1: Đăng ký thông tin;
– Bước 2: Nhận mã phê duyệt và số tham chiếu;
– Bước 3: Nhận chứng thư số;
– Bước 4: Đăng ký người sử dụng chứng thư số.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Với bên dự thầu gồm có:
+ Đơn đăng ký Bên mời thầu;
+ Bản sao công chứng quyết định thành lập của tổ chức đăng ký;
+ Bản sao chứng minh thư nhân dân của người đại diện pháp luật của tổ chức đăng ký;
- Với bên nhà thầu:
+ Đơn đăng ký Bên mời thầu;
+ Bản sao công chứng giấy phép đăng ký kinh doanh của tổ chức đăng ký;
+ Bản sao chứng minh thư nhân dân của người đại diện pháp luật của tổ chức đăng ký.
Nộp hồ sơ tới Bộ Kế hoạch và đầu tư quản lý hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thời hạn giải quyết là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký.
Lệ phí đối với nhà thầu là 500.000 VNĐ còn bên mời thầu sẽ là miễn phí.
3. Hồ sơ mời thầu trong nước không được vượt quá 2 triệu đồng/bộ
Theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP, dựa vào quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định phê duyệt mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (bao gồm cả thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là 2 triệu đồng đối với hồ sơ mời thầu.
4. Các trường hợp không được hoàn trả đảm bảo dự thầu
Theo quy định tại khoản 8 điều 11 Luật đấu thầu năm 2013 các trường hợp sau đây sẽ không được hoàn trả đảm bảo dự thầu:
– Nhà thầu, nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
– Nhà thầu, nhà đầu tư vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu, cụ thể: Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
– Nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng;
– Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;
– Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.
5. Các trường hợp không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đấu thầu
Theo quy định tại Mục 2 Công văn 2683/BKHĐT-QLĐT các trường hợp sau đây không buộc phải có chứng chỉ hành nghề đấu thầu khi tham gia đấu thầu:
– Cá nhân thuộc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện một dự án cụ thể và ban quản lý dự án này sẽ giải thể sau khi kết thúc dự án;
– Cá nhân thuộc các phòng của Cục, Vụ, Sở, huyện, doanh nghiệp Nhà nước… tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu theo nhiệm vụ được giao, không hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực đấu thầu.
– Cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu theo hình thức mua sắm tập trung theo mô hình kiêm nhiệm, không thường xuyên, liên tục và không hoạt động chuyên nghiệp, chuyên trách trong lĩnh vực đấu thầu.
6. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu
– Theo quy định tại khoản 1 điều 90 Luật đấu thầu, khi chủ thể vi phạm quy định về luật đấu thầu, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Theo quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP mức xử phạt hành chính cao nhất áp dụng có thể lên đến 40 triệu đồng, cụ thể với các hành vi vi phạm sau đây:
- Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Cho phép nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu dẫn đến làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu.
– Theo quy định tại điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hình phạt áp dụng với tội phạm vi phạm phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt tù lên đến 20 năm tù giam nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người nào có hành vi Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép… sẽ bị xử phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến 20 năm tù giam tùy mức độ hành vi.
Trên đây là những chia sẻ của công ty về Những quy định nổi bật trong Luật đấu thầu. Nếu còn những vướng mắc về Luật đấu thầu hay những vấn đề liên quan hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật những quy định mới theo quy định pháp luật hiện hành.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÀO TẠO VÀ TƯ VẤN ĐẦU TƯ HÀ NỘI
Hotline: 0976.464688
Email: phongdaotao88@gmail.com
Website: pta.edu.vn