Dùng kết quả của gói chào hàng cạnh tranh để mua sắm trực tiếp?
Luật Đấu thầu quy định mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.
Ngày 5/7/2016, Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy ký hợp đồng mua sắm hàng hóa, hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước. Đến ngày 18/5/2017 có quyết định phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp, cùng một loại hàng hóa giống nhau (hàng hóa giống hợp đồng đã ký ngày 5/7/2016).
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty hỏi, tới thời điểm hiện tại ngày 25/7/2017, Công ty có nhu cầu mua sắm cũng cùng một loại hàng hóa đó thì sử dụng hình thức mua sắm nào là đúng luật hiện hành? Công ty có thể sử dụng hình thức mua sắm trực tiếp được không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Điều 24 Luật Đấu thầu quy định mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác. Mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó.
- Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó.
- Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó.
- Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.
Đối với trường hợp nêu trong văn bản của ông Đặng Quốc Duy, việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp phải tuân thủ theo quy định nêu trên. Theo đó, nếu chủ đầu tư áp dụng kết quả của gói thầu tổ chức chào hàng cạnh tranh trước đó để mua sắm trực tiếp thì không phù hợp với quy định nêu trên.
|