I. Cơ sở pháp lý:
– Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT.
II. Luật sư tư vấn:
1, Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng
-“Đào tạo đấu thầu cơ bản” quy định trong Thông tư này được áp dụng cho các cá nhân tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và các cá nhân khác có nhu cầu. Kết thúc mỗi khóa đào tạo, học viên đáp ứng yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản. Cá nhân thuộc nhà thầu, nhà đầu tư không bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản.
Bồi dưỡng về đấu thầu bao gồm: Bồi dưỡng giảng viên đấu thầu áp dụng cho các cá nhân có nhu cầu trở thành giảng viên đấu thầu. Kết thúc mỗi khóa bồi dưỡng, học viên đáp ứng yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận bồi dưỡng giảng viên đấu thầu và Bồi dưỡng kiến thức đấu thầu áp dụng cho các cá nhân có nhu cầu, bao gồm bồi dưỡng theo chuyên đề, bồi dưỡng cập nhật, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về đấu thầu để phục vụ công việc, phục vụ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu và các hình thức bồi dưỡng khác về đấu thầu.
– Về yêu cầu chung đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu
Các khóa đào tạo đấu thầu cơ bản phải được tổ chức bởi cơ sở đào tạo có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và do các giảng viên có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia giảng dạy.
Các khóa bồi dưỡng giảng viên đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, được giảng dạy bởi các giảng viên có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và chuyên gia trong các lĩnh vực về pháp lý, tài chính, thương mại và lĩnh vực khác có liên quan.
Các khóa đào tạo đấu thầu cơ bản, bồi dưỡng giảng viên đấu thầu phải được tổ chức tập trung; bảo đảm đủ nội dung chương trình và thời lượng theo quy định tại Điều 7 và Điều 19 Thông tư này.
Số lượng học viên của mỗi lớp đào tạo đấu thầu cơ bản không quá 150 người; bồi dưỡng giảng viên đấu thầu không quá 30 người.
-Về chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu
Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu được cấp cho các cá nhân thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp, đơn vị mua sắm tập trung và cá nhân khác có nhu cầu để tham gia trực tiếp vào hoạt động lựa chọn nhà thầu, cụ thể như sau:
Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả mời sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu bao gồm các loại sau: Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu tư vấn; Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn.
– Về sử dụng chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu: Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu tư vấn được phép tham gia trực tiếp vào quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn được phép tham gia trực tiếp vào quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ phi tư vấn, gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp (PC); Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu tư vấn và chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn được tham gia trực tiếp vào quá trình lựa chọn nhà thầu tất cả các gói thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu có thời hạn sử dụng trong thời gian 05 năm kể từ ngày cấp, khi hết thời hạn sử dụng phải làm thủ tục cấp lại hoặc phải thi sát hạch nếu không đủ điều kiện cấp lại theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu khi đáp ứng đầy đủ các Điều kiện sau đây: Có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản; Tốt nghiệp đại học trở lên; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Có tối thiểu 04 năm kinh nghiệm liên tục làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu hoặc có tổng thời gian tối thiểu 05 năm làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu nhưng không liên tục hoặc đã trực tiếp tham gia lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu tối thiểu 05 gói thầu quy mô lớn (gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu trên 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu trên 20 tỷ đồng) hoặc 10 gói thầu quy mô nhỏ. Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn phức tạp được tính tương đương gói thầu quy mô lớn; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn đơn giản được tính tương đương gói thầu quy mô nhỏ; Đạt kỳ thi sát hạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
2, Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu
Các vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu Điều 33 Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT được quy định như sau:
“1. Đối với cơ sở đào tạo đấu thầu:
Cơ sở đào tạo đấu thầu có các hành vi sau đây thì được coi là vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu:
a) Kê khai thông tin không trung thực khi đăng ký cơ sở đào tạo đấu thầu;
b) Không sử dụng giảng viên đấu thầu có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để giảng dạy các lớp đào tạo đấu thầu cơ bản;
c) Không thực hiện đào tạo đấu thầu cơ bản trên cơ sở chương trình khung quy định tại Thông tư này;
d) Thực hiện đào tạo đấu thầu cơ bản không bảo đảm yêu cầu về thời lượng tối thiểu theo quy định;
đ) Cấp chứng chỉ cho các cá nhân không tham gia lớp đào tạo đấu thầu cơ bản hoặc các cá nhân có tham gia nhưng không đáp ứng đầy đủ các Điều kiện tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này;
e) Xác nhận không trung thực cho giảng viên đấu thầu;
g) Không lưu trữ hồ sơ các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu mà mình tổ chức theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;
h) Không báo cáo định kỳ hàng năm hoặc báo cáo kết quả từng khóa đào tạo đấu thầu cơ bản hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của mình;
i) Không thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thay đổi địa chỉ của trụ sở giao dịch (nếu có) trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày thay đổi địa chỉ của trụ sở giao dịch.
2. Đối với giảng viên đấu thầu:
Giảng viên đấu thầu có các hành vi sau đây thì được coi là vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu:
a) Kê khai thông tin không trung thực khi đăng ký giảng viên đấu thầu;
b) Không giảng dạy trên cơ sở chương trình khung về đào tạo đấu thầu;
c) Không báo cáo định kỳ hàng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình hoạt động giảng dạy về đấu thầu của mình.
3. Đối với cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu:
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu có các hành vi sau đây thì được coi là vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu:
a) Kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu;
b) Hành nghề không đúng với nội dung ghi trong chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu;
c) Tự ý tẩy xoá, sửa chữa chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu;
d) Cho mượn, cho thuê hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ của mình để hành nghề hoạt động đấu thầu;
đ) Không tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và quy định pháp luật có liên quan trong quá trình hành nghề hoạt động đấu thầu.
4. Đối với cá nhân được cấp chứng chỉ đấu thầu cơ bản:
Cá nhân được cấp chứng chỉ đấu thầu cơ bản có các hành vi sau đây thì được coi là vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu:
a) Sử dụng chứng chỉ đấu thầu cơ bản không do cơ sở đào tạo đấu thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cấp hoặc do cơ sở đào tạo đấu thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cấp nhưng không đáp ứng đầy đủ các Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này;
b) Cho mượn, cho thuê hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ của mình để tham gia tổ chuyên gia đấu thầu;
c) Không tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và quy định pháp luật có liên quan trong quá trình hoạt động đấu thầu.”
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu, Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT cũng đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và công khai thông tin về giảng viên đấu thầu, cơ sở đào tạo đấu thầu, cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; xây dựng và ban hành giáo trình đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu bảo đảm có nội dung phù hợp với pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng toàn diện cho người làm công tác đấu thầu và các giảng viên đấu thầu…
Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 của Bộ KH&ĐT quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu. Với những quy định phù hợp, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu, Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT sẽ góp phần chấn chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu, nâng cao năng lực, kinh nghiệm của cán bộ làm công tác đấu thầu từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như tăng cường hiệu lực thực thi quy định của pháp luật đấu thầu.
Thông tin tư vấn miễn phí xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÀO TẠO VÀ TƯ VẤN ĐẦU TƯ HÀ NỘI
Hotline: 0976.464688
Email: phongdaotao88@gmail.com
Website: pta.edu.vn
|